10 June 2023

MÙI TRẦN - Tâm Thanh

Trước Phân khoa Toán Viện Đại học Oslo ở Blindern có một pho tượng thiên thần bị gẫy một bàn tay. Ông quản lý của đại học nói đó là do một tai nạn khi di chuyển tượng từ nhà vận động Domus Athletica về, vào năm 1996. Chỉ có hai người biết nguyên do thật sự...
Lần đầu tiên tôi chú ý tới cô gái đó là vì cách cô băng qua cái sân rộng như quảng trường của đại học – cô không chọn đường gần nhất mà đánh vòng cung như con chim lượn trước khi đậu xuống cành lạ. Váy bay khoan thai, chân bước rụt rè. Sau nhiều lần nhìn thấy thế, tôi đâm tò mò, muốn xem gần mặt mũi cô ra sao.
Một hôm thoáng thấy cô dưới sân, tôi vội chạy xuống. Nhưng nửa đường có một cô sinh viên chận lại hỏi chuyện bài vở, nên khi tôi tới gần thì cô gái đã đi vào nhà sách Akademika. Cô để lại trong hành lang một hương thơm kỳ bí, không giống bất cứ mùi nước hoa nào các bà các cô thường xức trong các buổi dạ vũ. Một loại nhựa cây nồng men. Nếu tôi bước nhanh lên một chút thì cũng có thể bắt kịp cô để gợi chuyện, nhưng tôi hơi ngại lỡ gặp người quen để ý thì lại mang tiếng, bèn lảng qua bưu điện bên cạnh mua mấy con tem. Cũng xin thú thực tôi mới được nhận làm phụ khảo môn toán từ đầu niên học này thôi.

Mùi nhựa thông không ngờ ám ảnh tôi nhiều thế. Có lần ban đêm tôi mơ đuổi theo một hình nộm làm bằng rong biển. Tôi càng chạy nhanh, gió càng lộng, hình thù người nộm càng giống dáng cô gái, với những sợi tóc bằng rong thơm tho. Cuối cùng tôi với tay vuốt được vào mái tóc thì bàn tay tôi dính đầy mạch nha. Nếm vào, cả nước biển bỗng biến thành rượu nồng.

Cẩm Loan được tặng hai cái vé kịch, không biết rủ ai, rủ tôi:

“Bồ không đi, bỏ cũng uổng,” Loan nói.

“Kịch gì?”

“Hải Nữ của Ibsen.”

“Vậy thì đi... Không thôi để Loan đi với người khác cũng uổng.”

“Biết ngay là ham mà còn làm bộ!”

“Ham Hải Nữ chứ không ham bà đâu à nghe.”

“Ai mà thèm!”

Tôi với Cẩm Loan không đi tới đâu chỉ vì lúc đầu không ai đủ can đảm tỏ tình trước, để lâu tình đâm lờn. Tiếc nuối, nhưng không đủ xót xa để hâm nóng lại. Kỳ lạ chưa! Ngay lúc này tôi bỗng thấy mùi nhựa thông thoảng bên mũi – Cẩm Loan bắt đầu xức loại nước hoa này bao giờ? Nhưng mùi nhựa thông làm tôi nhớ tới cô gái lạ, chứ không kéo tôi lại gần Loan hơn. Tình bạn như thế này quí rồi. Trước giờ kéo màn, đèn u dần, tôi nghe một cuộc đối thoại từ hàng ghế sau:

“Anh tên chi?” giọng nữ thì thào.

“Gabriel,” giọng nam nhẹ.

“Ban gì?”

“Tin học.”

“Anh học sắp xong chưa?”

“Xong lâu rồi. Tôi đang đi làm.”

“Anh làm ở đâu vậy?”

“Tôi làm ở một nơi rất xa.”

“Công việc thích thú không, anh?”

“Thích lắm, cô à.”

“Vậy anh có phước.”

“Vâng, và cái phước lớn nhất trong nghề thông tin cũng như cả đời tôi là tôi được gặp một người...”

“Ai vậy?”

“Maria... Tôi thông tin cho Maria.”

“Tin gì mà quan trọng thế?”

“Tin vui lớn...”

Ánh sáng những ngọn đèn co lại, thành những cục than hồng bám trên vách tường. Khi tấm màn nhung đỏ được từ từ kéo lên, tiếng kể chuyện của người nam từ từ nhỏ dần rồi tắt hẳn.

Trên sân khấu, một người đàn bà trần truồng nằm ngửa, mà tôi đoán là ‘Hải nữ’. Bỗng khứu giác tôi nhận ra mùi nhựa thông, không phải từ người Cẩm Loan, mà từ đằng sau chúng tôi. Mùi nhựa thông quen thuộc (đã nhiều đêm lên men trong mơ)... là từ hàng ghế dưới tỏa ra. Tò mò và lịch sự giằng co tôi; cuối cùng tôi không quay xuống – vì một ý nghĩ kỳ cục, tôi không muốn cô gái đằng sau biết tôi đi xem kịch với một cô gái khác. Giờ giải lao, tôi kín đáo nhìn quanh, không thấy cô gái đâu.

“Anh tìm ai vậy?” Loan hỏi.

“Không!” tôi cụng ly với Loan và nốc cạn.

Sang màn hai tôi mới có thể tập trung tinh thần theo dõi các cuộc đối thoại trên sân khấu. Đến khi vãn tuồng, tôi nhớ ra cô gái lạ, quay xuống thì không thấy cô đâu nữa. Còn anh chàng tự xưng Gabriel tôi chẳng biết là ai.

Loan hỏi:

“Anh thấy kịch thế nào?”

“Tôi sợ các bà các cô quá.”

“Sao vậy?”

“Lỡ gặp phải một bà như bà Ellida, lâu lâu bắt chồng trả tự do để đi theo người tình cũ, thì mệt.”

“Có gì mà mệt. Cuối cùng, khi có quyền tự do lựa chọn thì Ellida cũng chọn ông chồng hiện tại Wangel thôi. Vấn đề là người đàn bà phải được tự do lựa chọn.”

“Lúc đầu bà ấy được tự do chọn anh thủy thủ mà!”

“Lúc đó bà ấy vẫn còn bị ước lệ xã hội ràng buộc, chưa hoàn toàn tự do.”

Tuyết rơi từng bông lớn trong nắng hanh. Lúc đó khoảng ba giờ chiều, tôi thấy cô gái xuất hiện, đi khoan thai trong màn tuyết. Không đi vòng như thói quen mà băng thẳng qua quảng trường. Và lạ lùng hơn nữa: cô đi tới đâu, tuyết giạt ra tới đó, làm như trên đầu cô có một cái dù vô hình. Rõ ràng lắm, không phải mắt tôi quáng tuyết.

Tôi vội vàng đi ra, vừa gặp thang máy, liền nhảy vào. Tôi đã thăm dò và biết cô ở đại học xá Blindern, vì thế tôi đi tắt sang, ngồi đại trong phòng khách chờ đợi. Cô không đẹp như tôi tưởng tượng khi nhìn từ xa, nhưng có sức thu hút kỳ lạ. Tôi tiến lại nói bằng tiếng Việt:

“Chào cô, cô người Việt?”

Đôi mắt một mí u buồn sau làn sương ngước lên.

“Dạ, chào anh,” giọng hơi khàn nhưng dịu dàng.

Nói xong, cô khẽ cúi đầu, chân bước lui, như muốn bỏ đi. Hương thơm thoang thoảng. Tôi níu cô lại bằng một chữ đầu tiên bật ra trên môi:

“Gabriel...”

Cô nhướng mắt ngạc nhiên, tay nắm một bàn tay vô hình:

“Gabriel, Gabriel nào?”

“Dạ không...”

Tôi không biết nói gì hơn, hỏi vài câu bâng quơ như bất cứ những người sinh viên đồng hương nào có thể hỏi nhau, học gì, từ đâu tới, sang Na-uy lâu chưa. Cuối cùng tôi thở dài:

“Thứ hai tuần sau là Tết ta rồi.”

Cô nhìn những cọng tuyết rơi nhẹ bên ngoài qua cái cửa sổ có treo cây trầu bà lá úa, nói:

“Dạ, Tết, nhưng không có vẻ gì là xuân cả.”

“Thứ bảy này sinh viên Việt Nam tổ chức Tết nguyên đán, cô đi cho vui!”

“Dạ, có thể.”

Tôi muốn hỏi có phải cô mới đi coi kịch. Tôi cũng định nói về hiện tượng lạ lùng mắt tôi chứng kiến lúc nãy khi cô đi dưới tuyết. Nhưng sợ tất cả chỉ là ảo giác, đành im lặng. Lợi dụng mấy giây im lặng đó, cô chào biệt và bước vội lên cầu thang. Tay vẫn nắm một bàn tay vô hình.

Nhìn trời nhìn đất, không thấy một dấu hiệu gì của mùa xuân: tuyết ngập dầy trên mái nhà và rừng cây. Trên lối đi, băng từng mảng như thủy tinh bám cứng trên những thẻ đá lót, đi mà cứ sợ té. Tôi nhớ năm nay là năm nhuận, tức là tháng hai tây có hăm chín ngày. Theo tục lệ, ngày nhuận là ngày duy nhất trong năm mà ‘cọc’ được phép đi ‘tìm trâu’, tức là phe nữ được tỏ tình với phe nam mà không sợ mang tiếng là cái đồ... ngựa. Tôi không biết nguồn gốc tục lệ đó từ đâu mà ra; nhưng chắc chắn nó không phải là thành quả của phong trào giải phóng phụ nữ, bởi nếu thế, phải chia cơ hội đồng đều, ví dụ ngày chẵn thì phe đàn bà tỏ tình và ngày lẻ dành cho đàn ông.... Vậy chắc cái tục cho con gái tỏ tình ngày nhuận là sáng kiến của mấy anh con trai vô dụng, như tôi, cả năm chả kiếm được mối nào, thì mong gỡ gạc bằng một ngày... sung rụng. Các anh ấy lại bày vẽ ra thế này: nếu người con gái tỏ tình mà người con trai vì lý do gì đó không đáp ứng thì người con trai phải ‘bồi thường danh dự’ bằng một cặp găng tay.

Chiều ngày 29.2, tôi kín đáo mua một cặp găng tay đút túi áo khoác và lên đường... cầu may. Nếu tôi lần khân ở nhà mà cô Út về thì sẽ mất đứt cặp găng, nên tôi bỏ cơm chiều, đi ăn tiệm Việt Nam. Ăn xong, ngồi uống cà-phê chán chê, có gặp vài cô gái quen, nhưng may mắn, lúc trả tiền xong, đứng dậy, cặp găng vẫn còn nguyên.

Tuyết tiếp tục rơi. Trên đường, phần đông trai gái có đôi có cặp hết. Tôi lủi thủi lái xe chạy loanh quanh, và không biết động lực thầm kín nào xui khiến mà xe tôi chạy tới cư xá sinh viên Blindern. Tôi ra vườn sau, ngồi trên ghế băng nhìn tuyết bay cuống quít trong vùng ánh sáng vàng của ngọn đèn như những con thiêu thân. Đang tiếc rằng mình không đủ tiêu chuẩn để xin vào ở cư xá này, thì tôi thấy hai người thất thểu lê vào vườn. Một người con gái khóc sướt mướt, dìu một người thanh niên bị thương. Tôi chạy lại xem có thể tiếp tay gì không, thì giật mình thấy người thanh niên bị cụt một bàn tay. Tôi la lên:

“Trời ơi! Phải kêu xe cứu thương ngay!”

Người thanh niên trả lời:

“Không cần,” trong lời nói bình tĩnh, có nét uy nghiêm. Tôi thấy bắt buộc phải tuân lời. Người con gái đặt bạn ngồi xuống ghế, bốc tuyết mới rửa vết thương. Tôi rùng mình buốt ở cánh tay.

Tôi tò mò hỏi, “Tại sao ra nông nỗi này?” Vừa hỏi xong tôi đã nhận ra người con gái quen. Cô vừa băng bó vết thương cho bạn vừa nức nở:

“Anh ấy tự chặt bàn tay tặng tôi.”

“Sao có chuyện khùng điên như thế?”

Cô ngước mặt lên, tuyết chảy trên má, trên đôi môi nhợt nhạt. Nhìn ánh mắt cô trách móc, tôi biết mình lỡ lời. Dù vậy, tôi nghĩ hai chữ “cuồng si ” cũng chưa gói trọn.

“Tôi có xe, để tôi chở anh ấy đi nhà thương?”

“Không cần,” cô từ chối “anh ấy có thể làm những việc hơn nhà thương...”

Người thanh niên nhìn người yêu như ra hiệu cho cô đừng nói tiếp. Tôi thấy anh có một gương mặt tuyệt đẹp, bình thản, không lộ vẻ đau đớn. Cô gái yên lặng băng bó cho người yêu bằng cái khăn quàng len trắng, cứ mỗi vòng lại hôn lên vết thương, như bôi thuốc. Sau cùng cô tháo sợi thung cột tóc buộc mối băng, hôn một lần nữa, và dìu anh đứng dậy. Tôi chờ đợi cô sẽ đưa anh lên phòng cô để nghỉ, nhưng cô ôm cánh tay cụt của anh và hai người đi ra cổng.

Cảnh tượng diễn ra như trong mơ làm tôi hoang mang. Hoang mang đến nỗi khi thấy cô trở lại một mình, tôi không buồn ngạc nhiên và hỏi anh đâu nữa. Tôi đã bị dụ vào giấc mơ rồi.

“Tôi tâm sự với anh một chút, được không?” cô gái bất ngờ hỏi.

“Rất hân hạnh.”

“Bề gì anh cũng là người đã chứng kiến việc vừa xảy ra. Không hiểu tại sao Gabriel lại muốn cho anh thấy tất cả.”

“Thấy? Thấy gì ạ?”

“Thấy Gabriel. Thấy cảnh vừa rồi... Ngoài tôi ra, anh là người duy nhất thấy”

Tôi càng hoang mang, chỉ biết nói:

“Tôi xin cám ơn.”

“Tôi không quen nói chuyện với người lạ.”

“Tôi cũng có cảm tưởng cô không thích giao tiếp. Tôi thường nhìn thấy cô đi một mình trong sân trường... Cô đi ở mé sân chứ không đi ở giữa.”

“Vậy sao?” cô ngưng một chút, tiếp, “Tôi bị chứng sợ khoảng không...”

“Thì ra là thế... Cái vườn này, bây giờ có rộng quá đối với cô không?”

“Có anh ngồi đây thì không sao.”

“Cô có lạnh không, mình vào phòng khách nói chuyện, hoặc lên xe tôi?”

“Anh lạnh?”

“Không.”

“Vậy mình ngồi ngoài này, tuyết đẹp quá! Tôi sẽ nói mau thôi...” Và cô nói mau, “Gabriel là thiên thần bản mệnh của tôi.”

“Trời!”

“Anh không tin là mỗi người có một thiên thần bản mệnh sao?”

“Tôi không phải người Thiên Chúa giáo.”

“Không cần Thiên Chúa Giáo... Việt Nam mình có Mụ Bà, mười hai Mụ Bà mỗi người... Anh tin không?”

“Có thể có Mụ Bà hay Thiên thần... Nếu không, làm sao giải thích được hiện tượng con nít rớt từ lầu bốn xuống đất, không hề hấn gì... Rồi những bước chân sa sẩy mà vẫn bình an?” Tôi bị thúc đẩy từ bên trong phải biện hộ cho một niềm tin non nớt vừa thành hình trong con người khoa học của tôi, “Một cuộc nghiên cứu cho biết bảy mươi phần trăm người Âu Mỹ tin có thiên thần. Tôi... tôi cũng muốn gia nhập vào thành phần ấy... Nhất là hôm nay xảy ra như vậy.”

“Sự thật không lệ thuộc vào phần trăm số người tin. Riêng tôi không cần tin nữa, vì tôi đã sờ mó vào sự thật, vào Gabriel.”

Cô cúi xuống vọc một nắm tuyết thấm những giọt máu của Gabriel, nói tiếp, “Anh ấy là một trong ba thiên sứ lớn, lẽ ra không có nhiệm vụ coi sóc riêng người nào. Nhưng từ ngày truyền một tin lớn cho nhân loại, anh hay lý tới việc nhân loại, và đâm ra quyến luyến trần gian. Anh ấy xin được đặc cách coi sóc tôi...”

“Tại sao Ông Lớn, à không, một Thiên sứ lớn lại chăm sóc riêng cô?”

“Tôi đâu biết... Anh ấy nói.. vì tôi là người ít quyến luyến trần gian nhất...”

“Tại sao cô lại xa cách trần gian như thế?”

“Rộng quá và phiền nhiễu quá...”

Một lúc sau cô nói tiếp:

“Tôi đã vịn tay anh ấy đi qua được cái sân lớn trong đại học. Anh ấy đang hứa đưa tôi đi trượt tuyết trên núi vào dịp lễ Phục sinh... Gần gũi nhau, tôi biết anh ấy bắt đầu yêu trần gian hơn... Còn tôi cũng bắt đầu yêu... đời.” Cô ngưng nói, nhìn những bông tuyết nhảy múa một lúc mới tiếp, “Anh ấy chẳng biết lòng tôi, chỉ biết bảo vệ, chăm sóc. Mặc dù quyến luyến trần thế, và yêu tôi, dường như ảnh không biết tình yêu trần thế là gì.”

“Cô mặc khải tình yêu cho anh ấy?”

“Tôi không dám nói to tát như thế. Tôi chỉ biết những lúc anh nắm tay để bảo vệ tôi thì bàn tay anh ấm lên. Tôi biết đó là một tình yêu tuyệt vọng cho cả hai bên. Nhưng tôi không thể không nói ra. Vâng, tình yêu không thể không nói ra, dù nói vào gió, nói trong mơ, có phải không anh? Yêu mà không được nói ra nó khổ lắm... Kẹt tôi là gái...”

“Cũng may...”

“Anh nói may cái gì?”

“Tôi nói cũng may là có một ngày cho con gái, ngày nhuận.”

“Anh cũng để ý vụ này!... Nếu tôi không tỏ tình hôm nay thì bốn năm sau mới có một ngày nhuận, bốn mùa xuân qua...”

“Cô tỏ tình chưa?”

“Thì rồi, mới ra nông nỗi đó!”

“Sao lại ra nông nỗi?”

“Tôi vụng về quá, không biết tỏ tình cách nào, nghĩ tới câu tỏ tình thông thường của người Âu Mỹ 'Anh có thể vui lòng cho em xin bàn tay Anh, được không?' Và tôi nói như thế. À, anh ta còn một người bạn chí thân tên Michael, vị thiên thần hay đeo kiếm. Tôi bị nhiều bệnh lắm, ngoài sợ khoảng không, tôi còn sợ bóng tối, vì thế Gabriel thường nhờ Michael tới hộ vệ cho tôi thêm lòng can đảm trong bóng tối. Vừa nghe tôi xin bàn tay, Gabriel rút ngay cây kiếm của Michael đứng bên chặt đứt bàn tay mình...”

“Trời ơi! Chắc đau đớn lắm, dù là thiên thần...”

“Thiên thần thì thiên thần, biết yêu là biết đau.”

“Bây giờ bàn tay đó đâu?”

“Michael mang đi rồi. Michael nói Gabriel không thuộc về trần gian này, phải mang bàn tay về trời.”

“À, thì ra là thế.”

Tôi thốt lời và thầm hỏi không biết trái tim Gabriel có về trời được không.

Tâm Thanh