24 June 2023

NGƯỜI MẸ - Trần Hồng Văn phóng tác

Lúc đó bà đang ủi chiếc quần tây, chiếc quần còn mới và đẹp mà nó vẫn dành để mặc vào ngày chủ nhật đi lễ. Bà ta chăm chỉ ủi mạnh trên một lớp nhăn thì bà chủ tiệm bán vải ở đầu đường đi ngang qua. Khi thấy chiếc cửa sổ mở và bà đang ủi, bà chủ tiệm vải nói lớn:
- Tai nạn thảm khốc tai Kalogreza. Bà có nghe gì không? Bà quay đầu ra ngoài:
- Không, tôi chẳng biết gì cả. Thằng Yannis của tôi …
- Tôi không biết thằng Yannis có ở đó không. Cô em chồng của tôi vừa điện thoại báo cho biết như vậy. Vụ nổ làm cho tất cả thợ thuyền đang làm trong hầm mỏ chết hết, chết ngay tại chỗ.
Vừa nghe xong thì toàn thân bà tê cứng. Quên hẳn chiếc bàn ủi, chiếc quần của thằng con bắt dầu bốc khói, bà chạy vội ra chiếc cửa sổ:
- Bà còn nghe thấy gì nữa không? Nói cho tôi biết với, tôi đang sốt ruột đây.
- Tôi chẳng nghe gì khác hơn. Cô em chồng của tôi nói là tất cả thợ thuyền trong ca từ hai tới mười giờ bị nổ tung ra từng mảnh vụn, hầm mỏ bị sập đè nát tất cả mọi người. Thế ... thằng Yannis của bà làm ở ca nào vậy?
- Hai tới mười giờ. - Bà trả lời như đang ở trong trạng thái bị thôi miên.
Có tiếng ai đó gọi từ cửa hàng vải như thể có khách hàng đang đợi. Bà chủ tiệm vội nói với bà:
- Tôi phải đi, can đảm lên, bà nhé, Có thể nó thoát được tai nạn này.
Bà quay trở lại, rút chiếc bàn ủi ra. Chiếc quần đã cháy hai miếng lớn, nhưng nào có nghĩa lý gì, điều quan trọng nhất hiện giờ là thằng Yannis, đứa con trai của bà. Chiều hôrn nay, chiều thứ bẩy, và ca làm việc từ hai tới mười giờ đêm.
Bà khoác vội chiếc áo vào, mắt nhìn tấm hình của cha nó treo trên tường. Khựng lại trong một phút. Có nên nói cho ông ấy biết tin này hay nên giữ im lặng? Trong hình, ông nhìn bà với đôi mắt và nụ cười hiền như thể tất cả đều bình yên, chẳng có gì quan trọng xảy ra cả, cũng giống như ánh mắt và nụ cười với bà lúc ông bị quân Đức tới nhà bắt đi vào năm 1944, ngày 11 tháng Tám. Lúc đó thằng Yannis đang tập bò, miệng bi bô "Ba ... Ba ... " và rồi cha nó chẳng bao giờ bước chân trở về căn nhà này nữa. Ông ta biến mất từ đó,người ta nói ông bị dẫn sang Đức,tới trại tập trung Buchenwald hay Dachau gì đó. Nhưng nào có nghĩa gì khi người đàn ông bị bắt đi, thế là hết.
Muốn tới Kalogreza thì phải xuống xe hai lần. Trước hết từ nhà tới Perama phải đi bằng xe điện, xuống ở trạm Piraeus, từ đó tới quảng trường Omonia bằng xe lửa rồi từ quảng trường này tới Kalogreza bằng xe buýt. Bà đã đi Kalogreza một lần rồi, cách đây khoảng một năm rưỡi khi ông chú của Yannis có dịp đi ngang qua Piraeus. Người chú này là em của cha Yannis và cũng là cha đỡ đầu của nó. Ông ta sống ở Hoa Kỳ từ nhiều năm, tại một thành phố tên là Detroit. Bà vội vã tới nơi làm việc để báo cho nó biết là ông chú này chỉ ghé Piraeus có vài giờ thôi, vì vậy sau khi tan việc phải tới thăm ông ta ngay. Bây giờ bà lại đi gặp nó nhưng với một mục đích khác, một sự đau đớn đứt gan đứt ruột. Bà vội vã ra khỏi nhà, nhưng trước đó thì sao? Bã đã quên không mang theo chiếc khăn tay. Bên ngoài trời lạnh thấu xương. Trên đường đi bà vừa nôn nóng sao cho chóng tới nơi, vừa lau nước mắt, trong bụng lại thầm trách tại sao lại quên không mang theo chiếc khăn tay. Bà nghĩ là mọi người trên xe điện cũng như trên xe lửa nhìn bà với đôi mắt ngạc nhiên khi thấy bà lau nước mắt, nước mũi bằng chiếc khăn choàng đầu.
- Nếu mình là con chim thì bay tới nơi từ lâu rồi.
Bà lẩm bẩm mãi câu này mà ngày xưa bà hay hát khi chồng còn ở nhà với bà chứ không phải chỉ là bức hình lạnh lẽo treo trên tường như bây giờ. Giờ đây bà đang nôn nóng tới Kalogreza và khi con tàu rời Monastiraki để tới quảng trường Omonia, trong đầu bà lại đang lùng bùng câu hát trên. Bất chợt một giọng nói đàn ông vang phía trên đầu:
- Bà ngồi xích vào một chút được không?
Hắn ta đeo chiếc cà vạt nâu, ôm một chiếc cặp da đen to phồng như thể đang ôm một đứa bé. Bà xích người vào trong góc nhưng thân hình to lớn của hắn đẩy bà ép dí sát vào thành tàu. Đầu óc ngổn ngang trăm mối, đến khi nhận ra thì bà mới biết là chiếc xe điện đã đi qua quảng trường Omonia và cả trạm kế nữa. Cuối cùng bà phải xuống trạm Attiki.
Từ nhà ga, phải đi ngược dốc về phía đường Patissia, bà phải dừng chân nhiều lần để thở. Mấy năm gần đây bà phải chịu đựng chứng khó thở, nhưng mỗi khi nghĩ tới thằng Yannis thì bà lại cố gắng lết chân bước tới. Phải đi nhanh để gặp nó, thằng con trai đang chờ bà. Lần tay vào chiếc ví rồi đếm xem còn được bao nhiêu tiền. Cả thảy là 12 drachmas. Bà tự nhủ là không biết có đủ cho một cuốc xe tới Kalogreza không đây. Tới quảng trường Ameriki, hàng dãy xe taxi đậu chờ khách, bà tới gần một chiếc rồi hỏi giá.
- Tôi chỉ có 12 drachmas thôi. - Bà nói với người tài xế xe taxi với một giọng nhỏ nhẹ như thể phạm phải một lỗi lầm gì.
Người tài xế nói là không được, giá cuốc xe từ đây tới Kalogreza gấp đôi số tiền bà có.
Bà đứng im suy nghĩ:
- Nhưng nếu cứ chở tôi đi rồi thằng Yannis sẽ trả thì sao?
Người tài xế hỏi lại:
- Yannis?
- Nó là con trai tôi, - Bà trả lời với giọng ngạc nhiên như thể tại sao ông ta lại không biết Yannis là ai.
Người tài xế đồng ý rồi mở cửa xe cho bà:
- Như vậy thì lại khác.
Khi một chân bước vào xe, bà chợt nghĩ::
- Nhưng nếu Yannis ...
Bà vội rút chân ra khỏi xe, hai tay vo tròn chiếc khăn choàng:
- Nếu chẳng may thằng Yannis ...
Ý Nghĩ đó làm toàn thân bà lạnh toát, cái lạnh chạy nhanh vào tận tâm can, vào xương tủy làm cho bà muốn ngã quỵ xuống đường. Bà lắp bắp nói:
- Thôi, tôi đi bằng xe buýt cũng được.
Rồi bà chập choạng bước nhanh vào bóng đêm trong thành phố lạ.
Khi bà tới vùng mỏ, tất cả đều im lặng. Một ý nghĩ thoáng trong đầu, bà cho đó chỉ là một lầm lỗi mà thôi. Cú điện thoại bà chủ tiệm vải nhận được là một cái gì khác chứ không phải là tai nạn ở Kalogreza. Tất cả ở tại đây im lặng quá, vạn vật được bao trùm bằng một màn sương đêm lạnh lẽo của mùa đông. Nhưng khi đi qua lớp hàng rào của hãng, bà thấy một toán người trong đó có cả hai viên cảnh sát đang đứng túm tụm nói chuyện trước một căn lán, chiếc xe hơi đậu gần đó có đèn đỏ trên nóc. Bà còn thấy vài người đàn bà và trẻ con nữa. Trước kia bà chưa từng nhìn thấy cảnh tượng như vậy.
Tiến gần lại đám đông, trái tim bà quặn đau. Một người thợ mỏ mặt còn bê bết máu, đứng bên cạnh là người vợ nắm chặt tay chồng, ông ta đang giảng nghĩa điều gì đó cho mọi người chung quanh.
- Yannis?
Bà nói với người cảnh sát và một người mặc thường phục đang hút thuốc lá liên tục.
Họ hỏi tên họ con của bà vì trong ca làm việc từ hai tới mười giờ có tới năm người cùng có tên là Yannis. Khi bà nói họ của nó, chẳng ai trả lời con bà hiện giờ ở đâu ngoài việc là mọi người quay lại nhìn bà chăm chú. Bà cũng nhận thấy người vợ ông thợ mỏ đứng phía kia ôm người chồng chặt hơn trước.
- Yannis.- Bà lập lại lần nữa, may mà người cảnh sát nhanh tay giữ bà lại nếu không thì bà đã quỵ ngã xuống rồi.
Không, bà không thế sống được nếu không có nó. Giờ đây chỉ còn hy vọng độc nhất là đi tìm thằng con trong nhà xác. Nếu may mắn kiếm được bà sẽ ôm lấy nó, bồng nó lên trong tay, sưởi ấm nó như người vợ đằng kia đang làm.
Khi người ta nói là có thể thằng Yannis ở trong đó, tim bà tràn ngập hy vọng. Nếu như có một phép lạ nào đó xảy ra khiến cho thằng Yannis của bà còn sống và thoát khỏi cái lạnh lẽo trong chiếc hầm bị sụp kia nhỉ. Nhưng nếu như lòng đất ác nghiệt kia nuốt nó đi, nó sẽ hoàn toàn cô độc, không có ai khóc cho nó, không ai chải tóc cho nó, không có lấy một nén nhang.
Nếu mà bà tìm được nó ở trong đó thì bà sẽ mang nó về nhà, tắm rửa cho nó, thay bộ quần áo đẹp nhất mà nó thường mặc vào ngày chủ nhật, đó là chiếc áo màu xám và chiếc quần tây mà bà đang ủi dở dang, còn hai miếng bị cháy thì chẳng sao cả, bà sẽ vá và mạng lại, bà biết mạng và sửa mà chẳng ai nhận ra được. Bà sẽ diện cho nó như khi còn bé bà thường dẫn nó đi chơi vào mỗi chiều chủ nhật. Nếu không thấy nó ... bà phải trở về căn nhà nhỏ một mình. Ngày mai, chủ nhật, trơ trọi một mình và những ngày sau đó, cô đơn và mãi mãi ...
Không có tên thằng Yannis ở nhóm thứ nhất gồm tám người thoát ra được khi đường hầm mỏ sụp đổ. Họ có danh sách đầy đủ tám người. Viên cảnh sát đang cầm và đọc danh sách này cho bà nghe rõ ràng từng tên một. Còn hai mươi người nữa trong ca này, tất cả là hai mươi tám người. Trong số hai mươi người không kịp thoát ra được thì có bốn người đã được đào thấy và hiện đang nằm trong nhà xác, Số mười sáu người còn lại hiện còn ở trong khu hầm mỏ, họ nằm co quắp trong lòng đất như những chiếc bào thai đã chết trước khi được sinh.
Viên cảnh sát nói với bà:
- Chắc chắn là con bà không có tên trong danh sách những người sống sót. Nó là một trong số những người còn lại. Bà hãy tới nhìn xem, có thể nó là một trong bốn người đang nằm trong nhà xác. Họ chuyển đi nhanh quá, tôi chưa kịp lập danh sách. Nếu không phải là một trong bốn người đó thì . . . có nghĩa là nó là một trong những người hiện còn nằm trong đường hầm và bị chôn sống. Không ai biết được là đến khi nào chúng tôi mới mang họ lên được. Ba ngày, năm ngày, mười ngày ... Hay có lẽ chẳng bao giờ".
Gần nửa đêm, bà tới· khu nhà xác trong tỉnh, một người gác cao lớn vừa vặn chiếc nút tìm đài trên chiếc máy radio vừa nói với bà:
- Xác chết ở hầm mỏ? Để ở trong đó, hành lang thứ hai bên phải, cửa thứ nhất bên trái,
Bà đứng im nhìn hắn ta rồi lại nhìn người bên cạnh. Bà muốn họ đưa đi vì suốt đời bà chưa bao giờ đặt chân tới nhà xác cả.
- Bà tự đi đi. - Hắn nói với bà. - Sao lại nhìn tôi như vậy? Chúng tôi làm công việc được giao phó, họ đã được đặt nằm riêng và phủ lại đàng hoàng rồi. Đủ với số lương rẻ mạt mà nhà nước trả cho chúng tôi. Trả vừa đủ để phủ họ lại.
Như thể nổi nóng với số lương hàng tháng, hắn vặn tối đa chiếc máy phát thanh lên, bản nhạc kích động vang ầm cả khu nhà xác. Người ngồi bên quát lên:
- Vặn nhỏ xuống,
- Tại sao? Sợ làm phiền khách hàng à?
Khi chiếc máy phát thanh đã được vặn nhỏ xuống, người thứ nhì quay lại nói với bà:
- Chúng tôi đã chỉ cho bà rõ ràng rồi. Hành lang thứ hai bên phải rồi tới cửa đầu tiên bên tay trái.
Bà lủi thủi bước đi, ngực bà như đeo một hòn đá thật nặng. Khi tới gần hành lang chính, tên cao lớn nói vọng theo:
- Này bà kia ơi, cứ mở cửa mà đi thẳng vào. Không cần gõ đâu nhé.
Bà theo lời chỉ dẫn bước đi. Hành lang thứ hai bên phải, cửa đầu tiên bên trái. Bà tưởng là cánh cửa sẽ nặng nề và kêu cót két, cửa nhà xác phải nặng và kêu chứ, nhưng trái lại, nó rất êm, không phát ra một tiếng rít nhỏ nào.
Căn phòng để nhiều chiếc bàn cao, dài và hẹp, tuy vậy chỉ có bốn chiếc trong một góc là có xác người, bốn người thợ mỏ tại Kalogreza. Bà lẩm bẩm:
- Chẳng thoải mái chút nào cả
Căn phòng tối tăm, lạnh lẽo và buồn thảm, có một ngọn đèn vàng treo ở giữa phòng. Bà bước tới. Coi người nào trước đây? Bà đứng im nghĩ ngợi như thể đứng trước một quyết định ghê gớm nào đó. Sau cùng bà tới chiếc bàn gần tường nhất.
Không, người đầu tiên không phải là Yannis. Chậm rãi như thể xấu hổ, bà kéo chiếc khăn phủ đầu lại cho người đó. Bà chẳng cần nhìn mặt, chỉ nhìn mái tóc là đủ. Tóc vàng, vàng ánh. Tóc của thằng Yannis màu đen.
Không, người thứ hai cũng không phải là thằng Yannis của bà. Người này có râu, Yannis không có râu.
Còn người thứ ba thì sao? Gần giống Yannis nhưng chiếc mặt bị méo mó làm bà không thể nói là đúng hay sai được. Cùng dáng dấp như vậy. Bà không quan sát khuôn mặt nữa mà nhìn xuống chân. Bà dở chiếc khăn ở chân rồi cầm lấy chiếc giày bên trái. Tất cả thợ thuyền ở đây đều mang cùng một loại giày ống nặng nề. Bà nghiến răng kéo mạnh nhưng chiếc giầy vẫn không tuột ra. Vận dụng toàn sức lực, bà nghiến răng kéo thật mạnh, sau cùng chiếc giày cũng tuột ra được. Sau đó bà cởi chiếc vớ ra. Không, không phải Yannis. Con bà mất ngón chân giữa vào dịp lễ Phục Sinh khi nó chưa được mười tuổi khi cùng một nhóm bạn chơi đốt pháo.
Bà chẳng cần mất nhiều thì giờ với người thứ tư, người này cũng có râu.
Bà cảm thấy đầu gối như muốn sụm xuống. Trong phòng không có chiếc ghế nào. Với tất cả cố gắng, bà trèo lên chiếc bàn rồi ngồi xuống cạnh chân người thứ tư. Khi thấy đã dễ chịu một chút, bà chợt nhìn thấy chiếc chân trần của người thứ ba. Bà vừa tháo chiếc giày và chiếc vớ của người này ra. Chắc là hắn ta lạnh lắm đây, bà nghĩ thầm như vậy. Tuột xuống khỏi bàn, bà mang lại vớ và giày cho người này rồi lấy tấm vải phủ lại cho ngay ngắn.
Có tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại. Bà nhẩm đếm - Hai, ba . . mười, mười hai. Nửa đêm rồi, bà thầm nghĩ, nhưng đồng thời bà nghe tiếng chuông thứ mười ba. Bà nói lớn:
- Tôi không biết là đồng hồ gõ tiếng thứ mười ba. Họ thay đổi khi nào vậy? Tại đất nước Hy Lạp cổ lỗ và nghèo khổ này, mỗi ngày lại có nhiều việc thay đổi.
Bà hắt hơi rồi nói tiếp:
- Xin lỗi.
Bà có thói quen nói lời xin lỗi mỗi khi hắt hơi trước mặt người nào. Hiện giờ cũng có người ở đây, bốn người thợ mỏ đang nằm trên bốn chiếc bàn dài và hẹp này. Không còn ai khác, không có xác chết lạ nào khác, chỉ có bốn người từ vùng mỏ Kalogreza thôi.
Còn thằng Yannis, không, nó không phải là một trong số bốn người này. Bà lại giở chiếc khăn phủ ra để nhìn rõ từng người một. Bà nhìn thật kỹ, ánh sáng mù mờ của ngọn đèn vàng treo ở giữa phòng không đủ sáng nhưng bà vẫn nhận ra được thật rõ từng người một. Thằng Yannis không may mắn như bốn người này, chắc là nó vẫn nằm co quắp dưới lòng đất hoặc là những mảnh thân thể của nó đã trộn lẫn với những mành than trong chiếc mỏ khổng lồ đó rồi.
Bà lại trèo lên chiếc bàn để người thứ ba. Lạ thật, bà không khóc được. Nhưng đâu còn nước mắt nữa để mà khóc. Chỉ có điều là bà quên không mang chiếc khăn tay theo. Dùng chiếc khăn choàng để lau thì xấu hổ. Bây giờ cả bốn cái xác đang chăm chú nhìn bà. Hồi nãy bà không che kín đầu họ lại. Bà lật chiếc khăn phủ kín cả bốn người rồi lần trong túi quần người thứ ba này. Bà tìm thấy một chiếc khăn tay nhàu nát. Chiếc khăn này có hai miếng mạng. Bà lẩm bẩm:
- Chắc là mẹ nó mạng chiếc khăn này đây.
Bà hỉ mũi rồi cất chiếc khăn vào trong túi áo của mình. Bà nghĩ là mình cũng giặt, ủi và mạng khăn tay cho thằng Yannis. Mẹ nó, mẹ chúng nó ...
Thời gian trôi qua bao lâu bà cũng chẳng rõ, nhưng quanh bà có bốn người, bà cảm thấy thật gần gũi với họ, quá gần, quá thân. Không có ai ở đây với họ đêm nay, ngay cả mẹ chúng cũng không có. Hay là, bà là ...
Thoạt đầu bà tưởng là nằm mơ, nhưng không, có nhiều người đang đứng quanh bà, tay họ cầm giấy bút viết lia lịa. Không phải là ngủ mơ. Lúc đó bà ngủ gục trên bàn, khi mở mắt ra thì thấy một toán người đang từ hành lang bước vào, cả thảy bẩy, tám người.
Bà tụt xuống khỏi chiếc bàn. Một người trong toán nói lớn:
- Có ai trong này không?
- Tôi đây.
Họ vây quanh bà và nói lia lịa mà bà chẳng hiểu gì cả:
- Chúng tôi là phóng viên báo chí, đài phát thanh và truyền hình.
- Chúng tôi tới làm phóng sự về tai nạn tại mỏ than Kalogreza.
- Bà là ai?
Bà nhìn trừng trừng vào họ:
- Tôi? Là mẹ.
Đám đông nhao nhao lên:
- Mẹ của những người này?
- A, mẹ của những người thợ tử nạn.
- Như vậy họ là con của bà à?
- Tất cả bốn người?
- Tất cả là con bà à?
Những người phóng viên lại viết, viết lia lịa, chiếc máy quay phim chiếu thẳng vào mặt bà trong khi người phóng viên đài truyền hình lớn tiếng: "Tai nạn thảm khốc tai Kalogreza. Một người mẹ mất hết cả bốn người con".
- Tên là gì?
Bà lấy chiếc khăn choàng lau nước mắt nước mũi rồi bước tới chiếc bàn thứ nhất, bà nhìn thật kỹ vào mặt xác chết
- Thằng Yannis của tôi,
- Người thứ hai.
Bà đi tới bàn thứ nhì, tay vuốt lên trán xác chết:
- Thằng Yannis của tôi.
Rồi tới bàn thứ ba, bà xếp chiếc tay của hắn lại cho ngay ngắn:
- Thằng Yannis của tôi.
Rồi tới bàn thứ tư, bà lấy ngón tay chải lại mớ tóc rối của hắn:
- Thằng Yannis của tôi.

Trần Hồng Văn

Phóng tác theo tác phẩm của Antonis Samarakis