Nhà văn Võ Đắc
Danh vừa gửi đến độc giả và thân hữu một bức ảnh khá lạ
mắt, cùng với đôi lời phân giải:
“Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên cho rằng bức ảnh xứng đáng được
trao giải thưởng… thư ký tòa soạn một tờ báo lớn ở SG hiểu lầm tưởng tôi là tác
giả nên nhắn tin xin file gốc để đăng báo. Và sau đó, một người bạn đang làm việc
ở một trường đại học bắc Cali gọi điện cho tôi, anh vừa khóc vừa nói: ‘Anh có
cách nào tìm ra người phụ nữ trong bức ảnh, tôi muốn giúp đỡ cô ấy, biết rằng
những mảnh đời như cô ấy ở VN không ít, nhưng bức ảnh làm tôi nghẹn ngào rơi nước
mắt, tôi muốn giúp cô ấy cũng chính là giúp tôi vơi bớt nỗi đau…”
FB CaoSon HD cho biết thêm “bức ảnh người phụ nữ chạy xe Grab mưu sinh phải mang theo cả con nhỏ khi đi chở khách được lan truyền mạnh mẽ trên Facebook đã làm nhiều trái tim nghẹn đắng lòng.”
Nói thế e có quá lời chăng? Cuộc sống lam lũ của
lắm người dân Việt hiện nay nào có xa lạ (hay mới mẻ) chi đâu mà
khiến cho “nhiều trái tim nghẹn đắng lòng” tới “rơi nước mắt” luôn, dữ vậy?
Xay lúa thì khỏi bồng em là cách phân
nhiệm công bằng (và hiệu quả) trong nếp sống định canh ở Việt Nam,
từ nhiều ngàn năm trước. Sự phân chia truyền thống này đã biến đổi
lâu rồi.
Nhà văn Phạm
Thị Hoài cho biết: “Ngày 22-3-1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam phát động một phong trào mang tên ‘Ba đảm nhiệm’, gồm đảm nhiệm
sản xuất và công tác, đảm nhiệm gia đình, đảm nhiệm chiến đấu và
phục vụ chiến đấu. Nhưng Hồ Chủ tịch không ưng ‘đảm nhiệm’ nên chuyển
thành ‘đảm đang’ và chính thức phát động phong trào…”
Phải “đảm” tất tần tật như thế nên vừa xay lúa vừa
bồng em thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Đó là chưa kể
những lúc phải tranh thủ làm đêm (và làm thêm giờ nghỉ) để thi đua
vượt chỉ tiêu. Chớ còn vừa chạy xe Grab, vừa bồng con thì kể như chỉ
là chuyện nhỏ thôi. Có chi nghiêm trọng lắm đâu mà phải động lòng
thương hoa tiếc ngọc!
Cùng vào thời điểm này, Trung Ương Đoàn cũng đã phát
động Phong
Trào Thanh Niên Ba Sẵn Sàng (vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa
học tập vừa thi đua xây dựng cuộc sống) chớ bên phái nam cũng đâu có ai
rảnh rang gì.
Sau nhiều thập niên tất bật và túi bụi cả ngày lẫn
đêm (bỗng) có người chợt ngừng tay, thắc mắc: Thi đua ta quyết
thi đua/ Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu/
Hàng đầu rồi biết đi đâu?
Rồi không ít kẻ nhao nhao lên tiếng khiếu nại: Một
người làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe/ Mỗi người làm
việc bằng ba/ Để cho cán bộ xây nhà xây sân!
Như vậy đâu có được (bất công thấy rõ) nên cuối cùng
đồng chí đương kim TBT, kiêm CTN, Nguyễn Phú Trọng đã vào cuộc
để giải quyết vấn đề. Báo Tuổi
Trẻ, số ra ngày 12/01/2021, hân hoan thông báo: “Năm năm xử 14.540 bị
cáo tham nhũng, kinh tế, chức vụ; thu hồi hàng chục ngàn tỉ đồng.”
Dữ vậy sao? Hả hê chưa?
Chưa! Dư luận, ngó bộ, vẫn chưa đồng tình cho lắm.
Thiên hạ coi đây chỉ là một thứ “nỗ lực” bắt ruồi quanh đống cứt.
Người có giáo dục thì phát biểu ôn tồn và nhã nhặn hơn. Họ xem
“hàng chục ngàn tỉ đồng thu hồi” chỉ là phần nổi của một tảng băng sơn.
Tuyệt đại đa số các đồng chí vẫn chưa bị lộ, và
không bao giờ bị cả, vì đều đã hóa thân thành những cánh tay nối
dài của Đảng và Nhà Nước. Những bàn tay vô hình này thò vào túi
quần (hay túi áo) của tất cả mọi người, bất kể nam/ phụ/ lão/ ấu.
Chuyên gia kinh tế Phạm
Chi Lan cho biết: “Một quả trứng chịu 14 loại phí, một con lợn cõng
51 thuế phí.”
Báo Thanh
Niên tổng kết: “Nông dân ‘cõng’ hơn 1.000 loại phí.” Tất nhiên, đó
là chưa kể … “phí
cho trâu bò ăn cỏ”!
Đám chạy xe Grab, như thiếu phụ bồng con trong bức
ảnh của nhà văn Võ Đắc Danh – tất nhiên – cũng không ngoại lệ:
- Phạm
Minh Vũ: Sau năm lần tăng liên tiếp, ngày 25-02 vừa rồi giá xăng
trong nước tăng mạnh gần 1000đ trên 1lít, A95 đã hơn 18k.
- Ngô
Du: “Sáng xách chiếc xe ra đổ 100 ngàn xăng để mưu sinh. Họ đã cúng
cho nhà nước 64 ngàn. Chạy một cuốc xe… Nộp thêm 10% VAT nữa.”
Hết “cúng” lại “nộp” tứ phương như vậy nên vừa chạy
xe Grab vừa địu con thì (may ra) mới đủ tiền mua sữa.
Sữa để em thơ lụa tặng già là chuyện chỉ
có trong thơ Tố Hữu (và trong mơ) mà thôi. Thực tế thì già trẻ, lớn
bé gì đều đầu tắt mặt tối và lam lũ ráo.
Hãy nhìn qua một lớp người bần cùng khác, cùng vài
mẩu tin liên quan đến họ, xem bàn tay của nhà nước hiện hành dài tới
cỡ nào:
Xổ
số kiến thiết “góp” 10.000 tỷ đồng cho Nhà nước trong quý I
Xổ
số đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước
Xổ
số là nguồn thu chỉ sau dầu mỏ
Xổ
số đóng góp gần bằng ngành dầu khí và vượt xa hàng không
Từ Việt Nam, nhà báo Hữu
Danh tường thuật:
“Ở vùng ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp xổ số nộp ngân sách cả
ngàn tỉ đồng/năm. Với nhiều địa phương, thu từ xổ số là nguồn thu chính. Để có
nguồn thu này, các công xổ số đều dựa vào lực lượng bán vé số dạo.
Họ là ai? Là trẻ em, thay vì được đến trường thì áo quần
rách rưới, tay cầm xấp vé số đi ‘bán cái rủi may’; là những ông bà lão bảy –
tám mươi tuổi, lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu thì phải
còng lưng mời từng tờ vé số; là những người tật nguyền, khi mà hệ thống an sinh
xã hội còn quá kém, phải vừa bò vừa lết ngoài đường, bò lết dưới chân trai
thanh gái lịch trong những quán cà phê, nhà hàng để bán từng tờ vé số bằng cách
kêu gọi lòng thương…”
Có điều ông nhà báo không biết (hoặc không ngờ) là
“lực lượng bán vé số dạo” đã lan ra tới … nước ngoài tự lâu rồi.
Tôi tình cờ gặp gỡ đông đảo đồng hương của mình nơi quán ăn Ba Số
Bẩy – trong khu chợ Tô Sanh, ở Nam Vang – với không ít ngạc nhiên.
Ngồi uống chưa hết chai bia Cambodia mà đã có hơn
chục người đến chào mời mua vé số, phát hành từ những tỉnh thuộc
Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sau khi xổ, vé trúng sẽ có người sẵn sàng
mua lại ngay tại chỗ.
Đạo quân vé số ở thủ đô Phnom Penh gồm đủ thành
phần cũng như tuổi tác nhưng phần lớn đều còn rất trẻ, rất hồn
nhiên, và (tất nhiên) đều không có cơ hội đến trường. Dù không phải
là thầy bói, tôi vẫn có thể đoán được là trong lòng bàn tay của
tất cả các em đều có đường xuất ngoại nhưng thiếu đường may mắn.
Tôi tha phương cầu thực gần như trọn kiếp (và may mắn
lạc bước đến những nơi không thiếu bơ thừa sữa cặn) nên bất ngờ nhìn
thấy mảnh đời cùng quẫn thì không khỏi chạnh lòng. Nghe tiếng mời
chào khẩn thiết, nhìn những khuôn mặt khẩn cầu của đồng bào mình
mà muốn ứa nước mắt.
Tôi mời các em cùng ngồi dùng cơm, và mua không sót
một tấm vé số nào, với hy vọng có thể tạo được đôi chút thảnh thơi
cho tất cả. Tôi cũng hành xử y như ông bạn của nhà văn Võ Đắc Danh
(“muốn giúp người và giúp cho chính mình vơi bớt nỗi đau”) hiện đang
ở California.
Vơi được bao nhiêu, và bao lâu trong cái chế độ bất
nhân này?
Tưởng Năng Tiến